Trước vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong công tác thi cử ở Hà Giang vừa bị phát giác cùng hàng loạt nghi vấn điểm thi cao bất thường ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi: Tổ chức kỳ thi 2 trong 1 vừa kết hợp công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng liệu có thực sự đảm bảo sự công bằng và đánh giá chính xác chất lượng của thí sinh?
Nên giao các Sở giáo dục địa phương xét công nhận tốt nghiệp
Khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra đề án gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng thành 1 kỳ thi THPT Quốc gia thì đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Bởi trước đây khi việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương vốn có nhiều bất cập và gian lận thường xuyên xảy ra. Đã có nhiều vụ việc, chính các thầy giáo trông thi can đảm lên tiếng tố cáo tiêu cực. Điển hình là thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Hay sự việc tại Đồi Ngô, Bắc Giang, khi thí sinh quay lại cảnh giám thị ném phao thi. Đây là một thực tế rất đáng buồn của hệ thống giáo dục Việt Nam. Điều này làm giảm niềm tin của các trường đại học, cao đẳng – nơi cần tuyển những sinh viên có đầu vào tốt để đáp ứng được quá trình đào tạo sau này.
Việc tuyển sinh nên để các trường đại học chủ động?
Vì vậy, khi gộp 2 kỳ thi làm một và giao về cho địa phương, rất nhiều trường đã lo lắng có tiêu cực xảy ra và không tuyển được đúng nguồn sinh viên chất lượng.
Theo ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục đầu ngành, để tiết kiệm thời gian và công sức cho phụ huynh cũng như học sinh. Đồng thời giảm áp lực thi cử thì Bộ nên giao cho các Sở giáo dục địa phương tổ chức một kỳ thi sát hạch nhẹ nhàng và công nhận tốt nghiệp cho các thí sinh đủ điều kiện. Còn việc tuyển sinh nên để các trường đại học chủ động.
Các trường đại học tự chủ để tuyển đúng thí sinh theo yêu cầu
Hiện tại trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, có đến hơn 200 trường đại học trong đó trường công lập chiếm tới 70%. Mỗi trường tuỳ theo thương hiệu, nhu cầu đào tạo và nguồn nhân lực lại có những yêu cầu khác nhau. Chính vì lẽ đó, việc đánh đồng tất cả thí sinh trong một kỳ thi khiến các trường khó khăn trong việc phân loại, đánh giá đầu vào. Thậm chí có nhiều trường đã phải chủ động tổ chức thêm một kỳ thi khảo sát năng lực để có được đánh giá sát nhất về đầu vào của thí sinh.
Có nên để các trường ĐH tự chủ tuyển thí sinh?
Khi giao việc tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng có nhiều ưu điểm được các chuyên gia chỉ ra.
Thứ nhất các trường với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học có thể xây dựng từng bộ đề riêng phù hợp với yêu cầu của trường mình. Như vậy sẽ phân hoá được đầu vào của thí sinh.
Thứ hai, khi được chủ động trong công tác tuyển sinh, các trường có thể đảm bảo được tối đa yếu tố khách quan và công bằng trong thi cử. Vấn nạn gian lận, tiêu cực sẽ được giảm bớt. Bởi yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng. Nếu đầu vào kém chất lượng thì đầu ra không đảm bảo yêu cầu, các công ty sẽ không tuyển dụng những con người yếu kém như vậy dẫn đến nhà trường bị mất uy tín, thương hiệu.
Thứ ba với các trường liên kết hoặc có 100% vốn nước ngoài thường sẽ đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Với quyền chủ động trong việc tổ chức thi cử, các trường sẽ dễ dàng tuyển các thí sinh phù hợp.
Thứ tư, sự chuyên nghiệp hoá trong công tác tuyển sinh đã được cải thiện và nâng cao. Nhiều trường đã xây dựng được đội ngũ truyền thông nhằm cung cấp thông tin tuyển sinh đầy đủ và chính xác đến các thí sinh. Giúp thí sinh dễ dàng lựa chọn được ngôi trường ưng ý.