Năm nay, kì thi THPT Quốc gia lại thu hút sự quan tâm vô cùng lớn từ cộng đồng. Mùa thi năm nay còn được chú ý hơn nữa khi phát hiện ra sự gian lận trong việc chấm bài thi.
Hiếu học là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Vì thế nên các bậc cha mẹ vẫn luôn cố gắng lo cho con cái được đến trường, đến lóp, học cái chữ và nếu thi đỗ vào đại học thì đó quả là một điều may mắn. Bình thường, chỉ hơn kém nhau 0,5 điểm thôi thì cũng đã là 1 bạn đỗ 1 bạn trượt đại học. Thế mà ở kì thi THPT Quốc gia năm nay, lại có những người được sửa điểm từ 1 lên 9 điểm.
Vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây chính là việc gian lận trong điểm thi THPT Quốc gia ở tỉnh Hà Giang. Theo các tin tức chính thức, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính cho kì thi THPT Quốc gia tại tỉnh, đã lợi dụng chức quyền để sửa điểm cho các thí sinh. Nhận thấy phổ điểm của Hà Giang cao bất thường, Bộ GD&ĐT đã cho thanh kiểm tra và chấm kiểm định lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh. Kết quả, nhiều em được nâng điểm. Số điểm sau khi nâng chênh lệch so với điểm ban đầu trong khoảng từ 1 đến 9 điểm. Có em đáng lẽ đã trượt tốt nghiệp nhưng lại suýt thủ khoa!
Điểm thi tỉnh Hà Giang đứng “top đầu” cả nước
Vẫn chưa rõ lý do ông Lương làm vậy là do động cơ gì. Do các học sinh là “con ông cháu cha” hay chỉ đơn giản và “bệnh thành tích”. Được biết, trong điện thoại của ông còn chứa rất nhiều các tin nhắn ghi số báo danh của thí sinh. Ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng có bàn tay của các bậc phụ huynh trong chuyện này. Hiện Bộ Công an vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ hành vi sai phạm của ông Lương để có chế tài xử phạt thích đáng.
Sau Hà Giang, các tin tức dư luận cho rằng một số tỉnh khác cũng có phổ điểm cao bất thường như Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La…Bộ GD&ĐT đã ngay lập tức thành lập các tổ thanh tra nhằm rà soát lại quá trình trông thi, chấm thi cũng như kiểm định lại bài làm đối với các tỉnh thuộc diện nghi ngờ.
Theo ý kiến và quan điểm của ông Bùi Trọng Đắc – giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, điểm số này có được hoàn toàn là do thực lực của các em thí sinh, không hề có hành vi gian lận, sửa điểm, nâng điểm. Ông sẵn sàng mời đoàn kiểm tra của Bộ về bất cứ lúc nào. Và theo kết quả thẩm tra công bố chiều ngày 23/7, điểm bài kiểm thi của các em học sinh tỉnh Hòa Bình đều đúng với thực lực. Hòa Bình đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch kì thi THPT Quốc gia. Kết quả họ có được và xứng đáng.
Thí sinh thi tại Hòa Bình
Ngược lại với tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La sau khi được thanh kiểm tra thì đã phát hiện cũng xảy ra sai phạm. Tuy chưa biết tổng số bài được sửa cũng như tổng số lượng người liên quan, nhưng tạm thời đã xác định được có 12 bài thi có dấu hiệu chỉnh sửa, điểm chênh từ 1 – 4,5 điểm và 5 cán bộ thuộc Sở GD tham gia vào quá trình gian lận. Không chỉ chỉnh sửa điểm, quá trình tổ chức thi của tỉnh cũng để lộ nhiều sơ hở: không niêm phong máy chấm thi, nơi để bài thi không chắc chắn,… Trước mặt, tạm thời, Bộ GD vẫn sẽ công nhận điểm thi THPT của các thí sinh và cho phép họ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Chờ đến khi có kết quả điều tra cụ thể sẽ xử lý theo đúng quy định. Bộ GD&ĐT cũng ra công văn yêu cầu tất cả 63 tỉnh thành cả nước tự thực hiện kiểm tra, đánh giá lại quá trình thi và chấm thi. Xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Đây là một sai phạm rất lớn và nghiêm trọng, mà người trực tiếp chịu ảnh hưởng lại chính là các thí sinh. Mong Bộ GD sẽ sớm giải quyết được vấn đề, trả lại sự công bằng và minh bạch cho các em.